Trong ngày đầu tháng cần phải kiêng kỵ những gì để không làm ảnh hưởng tới việc làm ăn, buôn bán, học tập của bạn trong tháng đó. Tùy theo quan niệm, phong tục tập quán của từng địa phương mà ngày đầu tháng được hiểu khác nhau. Có nơi cho rằng ngày đầu tháng là chỉ ngày mồng 1 theo lịch âm mỗi tháng, nhưng có nơi lại cho rằng, ngày đầu tháng là từ ngày mồng 1 đến mồng 10 mỗi tháng.
Như vậy, trong ngày này cần phải kiêng kỵ những gì để không làm ảnh hưởng tới việc làm ăn, buôn bán, học tập của bạn trong tháng đó. Cùng xem bài viết dưới đây của Lịch Âm Chuẩn để tìm hiểu những ngày kiêng kỵ trong đầu tháng nhé.
1.Kiêng xuất tiền của:
Vào ngày đầu tháng, mọi người kiêng xuất tiền của để tránh việc bị “dông” cả tháng. Tránh xuất tiền của chính là việc tránh đi vay mượn, trả nợ, đòi nợ vào ngày đầu tháng. Người Việt cho rằng đầu tháng làm gì thì cả tháng sẽ phải làm như thế. Có nghĩa là, nếu họ cho vay tiền, mượn tiền hoặc tiêu một khoản tiền lớn thì cả tháng họ cũng sẽ như thế và đó là dấu hiệu của việc không gặp may mắn về đường tiền của.
2. Kiêng một số món ăn:
Mọi người cho rằng nếu ăn thịt chó, thịt vịt, mực hay xôi trắng vào ngày mùng 1, họ sẽ bị hãm tài, gặp những điều không may mắn, mất tiền, mất của, việc không thành, gặp bệnh cũng lâu khỏi. Các vùng miền khác nhau thì còn kiêng thêm một số món như ở miền Trung kiêng trứng vịt lộn và thịt vịt vì họ cho rằng sẽ gặp phải vận xui. Ở một số vùng còn kiêng ăn tôm do sợ bị đi giật lùi.
3. Kiêng cắt tóc, cắt móng tay vào mồng 1:
Theo quan niệm người xưa, việc cắt móng tay, móng chân hay cắt tóc vào mồng một sẽ đem lại sự xui xẻo. Bởi vì tóc, móng tay, móng chân là một bộ phận trên cơ thể con người, không nên cắt bỏ những gì của cơ thể trong những ngày đầu của tháng, của năm. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người đó.
4. Kiêng cho lửa, nước trong ngày mùng 1:
Theo quan niệm phong thủy thì nước đại diện cho sự giàu sang, may mắn về tiền bạc và lửa đại diện cho sự ấm áp, hạnh phúc gia đình. Việc cho đi nước, lửa trong ngày mồng 1 là rất xấu, điều này sẽ ảnh hưởng tới tài lộc và hạnh phúc của gia đình bạn trong suốt tháng đó. Đem điều tốt đẹp trong tháng đó đi cho người khác trong ngày mồng 1 thì cả tháng đó trong nhà sẽ gặp những điều không may, làm ăn thua lỗ, ra đường gặp phải nhiều xui xẻo, tai bay vạ gió.
5. Kiêng quan hệ nam nữ đầu tháng:
Trong những ngày Tết, Ngày mồng một, rằm người phương Đông luôn có quan niệm tránh việc tiếp xúc giữa nam và nữ. Bởi vì, theo quan niệm ngày xưa thì việc này sẽ dẫn đến những vận hạn đen đủi, không may mắn, thậm chí còn đem đến đại hạn cho hai người.
6. Kiêng kỳ kèo trả giá rồi không mua:
Đối với người làm ăn buôn bán thì ngày đầu tháng là ngày rất quan trọng. Họ sẽ thắp hương, khấn vái với mong muốn sẽ được may mắn trong cả tháng đó. Bên cạnh đó, họ cực kỳ chú ý, quan tâm đến “người mở hàng”. Rất nhiều trường hợp xảy ra những vụ tranh chấp, thậm chí là đánh nhau vì người mở hàng cò kè mặc cả xong nhưng lại không chịu mau hàng. Vì vậy cả người bán hàng, lẫn người mua hàng cần phải chú ý đến điều này. Để tránh xảy ra những sự cố ngoài ý muốn. Sẽ rất may mắn khi cả hai đều là người dễ tính, cởi mở, thuận mua thuận bán.
Nếu gặp phải những khách hàng không mua hàng thì để tránh sự xúi quẩy người bán hàng sẽ đốt vía để xua đi những thứ “không định hình” ảnh hưởng tới việc mua bán của họ bằng cách lấy một tờ giấy, que đóm,… đốt lên rồi khua xung quanh.
7. Kiêng đi thăm phụ nữ mới sinh:
Những ngày đầu tháng, ông bà ta thường kiêng đi thăm phụ nữ mới sinh vì theo quan niệm “sinh dữ tử lành”. Cụ thể, với những người làm ăn buôn bán việc đi thăm hoặc gặp bà đẻ sẽ làm cho vận may trong công việc của họ không còn nữa. Thường thì họ sẽ chờ đến giữa tháng hoặc cuối tháng mới đi thăm, người đi thăm thường chủ yếu là phụ nữ.
Các cụ ngày xưa cũng cho rằng bà bầu không nên đi thăm phụ nữ mới sinh em bé. Vì quan niệm nếu bà bầu đi thăm bà đẻ thì con sẽ ganh nhau (em bé của bà đẻ và em bé trong bụng của bà bầu), rồi đến lúc bà bầu đẻ con ra sẽ khó nuôi.
Thật ra dân gian kiêng đi thăm gái đẻ trong vòng một tháng đầu là có cơ sở, không phải hoàn toàn là do mê tín. Vì trong tháng đầu tiên, người mẹ và em bé rất mệt mỏi, nhất là em bé, hệ hô hấp miễn dịch còn chưa được hoàn thiện, cần được nghỉ ngơi thật nhiều, không gian cần yên tĩnh và sạch sẽ. Việc nhiều người tới thăm sẽ khó tránh khỏi việc ồn ào, bụi bặm sẽ nhiễm vào người mẹ và em bé, nếu khách tới chơi bị cảm cúm hoặc ốm bệnh thì rất nguy hiểm.
8. Kiêng nói những điều xui, tránh bất hòa, tranh cãi:
Cần chú ý tránh phát ngôn bừa bãi trong ngày đầu tháng vì sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với những chuyện sẽ phát ngôn trong tháng đó. Vì vậy trong ngày đầu tháng bạn không nên nói những từ kém may mắn như “Chết mất” hay “Tiêu rồi”, “Hỏng rồi”. Những từ ngữ đó không biết tương lai có thật sảy ra không nhưng cũng khiến người bên cạnh bạn cảm thấy khó chịu đấy.
Thường vào những ngày đầu tháng, mọi người thường cố giữ vẻ hòa khí, thân thiện dù đối với người mình không thích cũng sẽ chú ý thái độ của bản thân. Người lớn tránh việc quát tháo, mắng mỏ, trẻ con thì hạn chế việc quấy nháo, khóc lóc, giữ cho không khí gia đình hòa thuận, vui vẻ.
9. Không làm đổ vỡ đồ dùng:
Người Việt Nam quan niệm rằng, làm đổ vỡ chén đĩa, đồ dùng trong nhà vào ngày mồng một là cực kỳ không tốt, báo hiệu cho sự chia lìa đổ vỡ, vận xui đang tới. Kỵ nhất là việc làm vỡ gương.
Những việc kiêng kỵ trên tuy không có cơ sở khoa học nào để chứng minh, nhưng do được truyền qua truyền lại lâu đời và còn dựa trên nhiều yếu tố về văn hóa dân tộc nên vẫn có rất đông người nguyện ý tin theo vì theo họ “có kiêng có lành”, giúp người ta yên tâm hơn về vấn đề tâm lý. Tuy vậy, những người nào không tin thì cứ làm theo bản thân mình mong muốn là được rồi
Nguồn: Internet
Để lại một bình luận